Tăng cường các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết

Thứ sáu - 28/10/2022 06:45
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, tính đến ngày 27/9/2022, Cần Thơ ghi nhận 4.846 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), xếp thứ 10 trong 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam. So với cùng kỳ 2021, tăng 4.107 ca, không xảy ra ca tử vong. Số ca mắc và ca nặng tăng, cần giải pháp mạnh hơn để ngăn chặn dịch bùng phát.
Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế kiểm tra lăng quăng tại nhà dân.
Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế kiểm tra lăng quăng tại nhà dân.
Thống kê của CDC Cần Thơ năm 2022, SXH tăng nhanh từ tháng 5 đến tháng 8. Số ca mắc tháng sau cao hơn tháng trước và chưa có xu hướng giảm. Trong đó, 4 quận/huyện có số ca mắc cao nhất, gồm: Ninh Kiều (1.145 ca), Thốt Nốt (799 ca), huyện Vĩnh Thạnh (634 ca), huyện Cờ Đỏ (522 ca).
Toàn thành phố ghi nhận 319 ổ dịch: Vĩnh Thạnh (62 ổ dịch), Thốt Nốt (54 ổ dịch), Cờ Đỏ (44 ổ dịch), Ninh Kiều (38 ổ dịch), Ô Môn (32 ổ dịch), Thới Lai (27 ổ dịch), Bình Thủy (34 ổ dịch), Phong Điền (20 ổ dịch), Cái Răng (08 ổ dịch). Về phân độ ca mắc SXH: số ca SXH dengue có dấu hiệu cảnh báo là 219 ca (219/09) tăng 210 ca, số ca sốc SXH là 93 ca (93/07) tăng 86 ca so cùng kỳ 2021. Nguyên nhân số ca SXH tăng do ý thức phòng bệnh cộng đồng còn hạn chế; Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á là khu vực lưu hành SXH quanh năm; mùa mưa, thời tiết thuận lợi cho muỗi sinh sản.
PC SOT XUA HUYET 0002
CDC Cần Thơ liên tục tập huấn, cập nhật kiến thức cho các cán bộ phòng chống dịch tại các quận huyện.

Ngành Y tế dự báo, số ca mắc SXH có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm, do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; dụng cụ trữ nước của hộ dân không được che đậy kín; vật dụng phế thải (lốp xe, chai nhựa, vỏ dừa, lu kiệu bể,…) vứt bừa bãi chứa nhiều lăng quăng, vệ sinh môi trường xung quanh nhà chưa tốt. Gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người nên số ca mắc luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống.
Trên thực tế, một số cơ sở y tế đang trong tình trạng quá tải, do số ca mắc SXH tăng. Tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ – bệnh viện tuyến cuối điều trị SXH ở người lớn của thành phố, bệnh nhân SXH được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Khoa có 42 giường kế hoạch, thực kê 50 giường; lượng bệnh nhân điều trị SXH chiếm 2/3. Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, khác biệt SXH ở người lớn và trẻ em là ở người lớn sốt thường kéo dài hơn, trung bình từ 6-7 ngày; triệu chứng đường tiêu hóa thường nổi bật, triệu chứng xuất huyết xảy ra nhiều hơn, SXH trên cơ địa có bệnh lý nền, nhiều biến chứng phối hợp hơn.
PC SOT XUA HUYET 0003
Cán bộ Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, CDC Cần Thơ kiểm tra lăng quăng tại nhà dân.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế thành phố, giữa tháng 9/2022, CDC phối hợp Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ tổ chức lớp cập nhật phác đồ điều trị SXH cho các cơ sở điều trị công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Qua đó, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe những kiến thức cũng như kinh nghiệm trong thực hành lâm sàng về chẩn đoán và điều trị bệnh nhân SXH từ mức độ nhẹ đến nặng, góp phần nâng cao công tác chẩn đoán, điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân mắc SXH, bảo đảm điều trị đúng và kịp thời, hạn chế để bệnh nhân chuyển nặng và giảm thiểu tử vong. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn về giám sát phòng, chống bệnh SXH, điều tra côn trùng, tập huấn sử dụng phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54. Tổ chức lớp tập huấn cập nhật về báo cáo, giám sát, xử lý ổ dịch SXH cho các cán bộ phòng, chống dịch tuyến quận/huyện và phường/xã.
Theo ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ, trước tình hình SXH tăng cao, CDC tăng cường triển khai các biện pháp như: Giám sát công tác thực hiện Thông tư 54 tại các cơ sở khám chữa bệnh và Trung tâm Y tế; Giám sát véc tơ và giám sát phun thuốc diện rộng tại các xã/phường có số ca mắc SXH cao: Ninh Kiều (An Khánh, Hưng Lợi, Cái Khế, An Bình, Xuân Khánh), Thốt Nốt (Tân Lộc, Thới Thuận), Cờ Đỏ (Trung Thạnh, Trung Hưng), Vĩnh Thạnh (Vĩnh Trinh), Bình Thủy (An Thới), Ô Môn (Thới Long, Long Hưng, Châu Văn Liêm), Cái Răng (Phú Thứ). Tổ chức Chiến dịch diệt lăng quăng phòng chống SXH tháng 6, đồng thời, triển khai 2 đợt chiến dịch diệt lăng quăng tháng 9 và tháng 10. Bên cạnh đó, CDC cũng tăng cường công tác truyền thông phòng, chống SXH; chuẩn bị đầy đủ về cơ số hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại quận Thốt Nốt và Ô Môn. Phối hợp Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, tổ chức giám sát hỗ trợ công tác phòng, chống SXH tại huyện Vĩnh Thạnh.
Theo bác sĩ Lê Phúc Hiển, Phó Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế (CDC Cần Thơ), CDC tiếp tục tăng cường phát thông điệp truyền thông gián tiếp qua loa, đài và trực tiếp tại nhà dân, cụm dân cư; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng; giám sát chặt chẽ để phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch; phun hóa chất để xử lý ổ dịch sớm, triệt để, phun chủ động khu vực nguy cơ cao.
BOX:
Thủ tướng ra Công điện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch SXH
Ngày 25/7/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Công điện 665/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống SXH và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn. Thành lập các tổ phòng chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là SXH; xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật;
Giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch SXH và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết và các bệnh dịch khác; chỉ đạo địa phương bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Thông tin và truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để người dân chủ động, tích cực thực hiện phòng, chống dịch, đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cùng các cơ quan ban ngành, đoàn thể... phối hợp chủ động, tích cực vận động người dân tham gia các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch sốt xuất huyết và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nguồn tin: Bài, ảnh: Quỳnh Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Quan trắc môi trường
CacdichvuCDC
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
Bảng giá vắc xin
BannerPhunHoaChat
Tin mới
Thống kê
  • Đang truy cập202
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm183
  • Hôm nay25,478
  • Tháng hiện tại567,701
  • Tổng lượt truy cập19,381,830
Slide web CDC 1 2023 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây