Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttp://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ ba - 05/05/2020 23:18
Từ đầu mùa dịch đến nay, mỗi ngày, đường dây nóng của ngành Y tế tiếp nhận khá nhiều thông tin phản ánh từ phía các cơ quan, đơn vị và người dân về các trường hợp đi về từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người đến từ vùng dịch. BS.CKII Nguyễn Quang Thông, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ cho biết: “Khi nhận được tin báo, các thành viên trong Đội phản ứng nhanh, từ CDC thành phố đến Trung tâm Y tế các quận/huyện luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào”.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các cán bộ luôn có mặt để xác minh, giám sát, điều tra dịch tễ; bên cạnh đó còn tuyên truyền tư vấn, hướng dẫn cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Các cán bộ y bác sĩ tại CDC cũng như ở các Trung tâm Y tế luôn xác định công tác giám sát là vô cùng quan trọng, nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ, có yếu tố dịch tễ để nhanh chóng cách ly kịp thời, phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng. Do vậy, công việc của họ luôn đòi hỏi sự khẩn trương, phối hợp nhanh nhạy, chính xác, không để bỏ sót những trường hợp nghi nhiễm.
Đơn cử như khi nhận được thông tin có trường hợp đi cùng chuyến bay với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 số 33 về Cần Thơ lúc 4 giờ 30 phút chiều 11/3/2020, Đội phản ứng nhanh CDC Cần Thơ đã nhanh chóng có mặt ngay ở khách sạn để điều tra dịch tễ. Anh Nguyễn Trung Hiếu, thành viên Đội phản ứng nhanh, kể: “Anh em trong đội thuyết phục, hướng dẫn 9 người khách này không ghé khách sạn mà lên khu cách ly tập trung của thành phố ở quận Ô Môn. Tới nơi, chúng tôi điều tra xác nhận, có 2 người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân 33 và 7 người còn lại đi cùng xe với 2 người này. Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, CDC Cần Thơ đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 2 người đi cùng bệnh nhân số 33”. Hôm đó, công việc xong cũng gần 12 giờ đêm, anh em trong Đội mới ghé quán ăn khuya vì làm suốt từ chiều không có thời gian ăn tối. Sau đó, lại tiếp tục vào cơ quan làm báo cáo đến 2 giờ sáng để có thông tin sớm nhất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Đến khi nhận được kết quả âm tính 2 trường hợp này, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. Bác sĩ Nguyễn Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Gần 3 tháng nay, cán bộ y tế, nhất là trung tâm, trạm y tế ngày nào cũng đi điều tra dịch tễ, theo dõi hướng dẫn cách ly, đo nhiệt độ... Văn bản, chỉ đạo từ trên xuống liên tục, chúng tôi phải căng sức phối hợp cùng lực lượng công an, chính quyền địa phương, các ban, ngành để hoàn thành nhiệm vụ”. Cũng theo BS Thắng, công tác giám sát tại quận Ninh Kiều được thiết lập hệ thống rất chặt chẽ. Nguồn thông tin về các trường hợp cần giám sát được tổng hợp từ 3 nguồn: thứ nhất là từ công an khu vực, công an phường rà soát tổng hợp báo cáo về cho UBND, Trạm Y tế danh sách những người nước ngoài, những người nơi khác đến có yếu tố liên hệ từ vùng dịch; nguồn thứ hai từ cộng tác viên y tế báo về và nguồn thứ ba từ người dân phản ánh qua hệ thống đường dây nóng hoặc trưởng khu vực, sau đó báo về UBND, Trạm Y tế. Cũng như thành phố, ở quận và các phường đều thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, trong đó y tế làm thường trực, bên cạnh đó còn có Đội phản ứng nhanh. Khi phát hiện những trường hợp nghi ngờ cần cách ly, cán bộ Đội phản ứng nhanh của phường sẽ xuống tiếp cận đối tượng, điều tra dịch tễ và hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly theo đúng quy định. Đội phản ứng nhanh của quận sẽ xuống hỗ trợ khi phường gặp khó khăn hoặc có trường hợp cần chuẩn bị đưa cách ly tập trung.
Công việc liên tục, áp lực nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, một số người khai không đúng, người cách ly tại nhà nhưng không chấp hành tốt... nên cán bộ chống dịch phải chạy “vòng vòng”. Đơn cử như xác minh trường hợp một sinh viên ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, bị ho, sốt nhập viện điều trị ở Cà Mau và khai báo có chở một du khách nước ngoài khi còn ở Cần Thơ. Tỉnh Cà Mau đã thông báo trường hợp này đến Cần Thơ, chị Nguyễn Thành Anh Thư, Trưởng Trạm Y tế phường Hưng Lợi, cùng cán bộ chống dịch, Công an khu vực đến nhà trọ ở phường Hưng Lợi - nơi sinh viên này tạm trú. Nhưng do mất bình tĩnh, sinh viên này nhớ nhầm sai địa chỉ, phải nhờ sự hỗ trợ của Công an khu vực mới tìm chính xác địa chỉ, lập hết danh sách người ở cùng khu trọ, đo thân nhiệt. Công việc xong thì cũng 10 giờ đêm. Bác sĩ Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ô Môn cho biết “Đối với các trường hợp cách ly tại nhà, cán bộ Trung tâm và Trạm Y tế cũng theo dõi, giám sát, đo thân nhiệt 2 lần/ngày và phun hóa chất khử trùng 1 tuần/lần tại hộ gia đình. Không chỉ giám sát đối tượng cách ly tại nhà, anh em cán bộ còn theo dõi sức khỏe của cả các thành viên trong gia đình”. Gần đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 triển khai phần mềm khai báo điện tử NCOVI; lập các điểm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 nhằm rà soát, xác minh người đi về từ vùng dịch nên công việc của đội ngũ y tế cơ sở, công an… càng vất vả hơn. Từ 0 giờ ngày 28/3/2020, lực lượng y tế phối hợp với công an, thanh tra giao thông, dân quân tự vệ, tình nguyện viên... bắt đầu bám các điểm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ở các cửa ngõ ra vào thành phố để đo thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế, lấy thông tin về lịch trình di chuyển của người dân. Một nhân viên nữ ở Trạm Y tế phường Hưng Phú, chia sẻ: “Nắng nóng, lại thêm khói bụi xe... anh em có người bị say nắng nhưng luôn động viên nhau cố gắng”. Mặc dù không trực tiếp tham gia khám điều trị cho bệnh nhân, nhưng các cán bộ y, bác sĩ làm công tác y tế dự phòng luôn là những người đi đầu trong “trận chiến”, túc trực ở các điểm nóng phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, với tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng đã vượt lên trên những khó khăn đặc thù, kể cả nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh… ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Nguyệt Hương - H.Hoa
Tại thành phố Cần Thơ, tính đến 17 giờ ngày 4/5/2020: Số trường hợp cách ly tập trung: 211 người, trong đó có các hành khách trên chuyến bay số hiệu VJ812, từ Singapore về Cần Thơ ngày 24/4/2020 và hiện tất cả hành khách đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Lũy tích đến nay có 689 trường hợp hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày, trở về địa phương. Số trường hợp theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú trên địa bàn: hiện có 93 người. Lũy tích đến nay có 2.080 người hoàn thành 14 ngày theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú. Cần Thơ hiện không còn bệnh nhân COVID-19. Số trường hợp điều trị khỏi: 02 trường hợp, BN145 và BN154 đã xuất viện.