Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttp://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ năm - 07/05/2020 02:22
Trong “cuộc chiến” với dịch bệnh COVID-19, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên khối dự phòng và các bệnh viện luôn là lực lượng nòng cốt trực chiến trên tuyến đầu. Dù dịch bệnh làm nhiều người lo lắng, e ngại, nhưng họ vẫn tận lực, can đảm, lăn xả ngày đêm trên “mặt trận” phòng chống dịch bệnh, tất cả vì sức khỏe, sự an toàn của người dân và cộng đồng.
Có dịp theo chân cùng các cán bộ Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế và Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ trong những ngày cao điểm thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19, chúng tôi càng hiểu thêm những áp lực và hy sinh thầm lặng của những cán bộ nơi tuyến đầu.
Chiều 24/4/2020, trong lúc các cán bộ Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Cần Thơ đang tất bật với công tác giám sát, kiểm dịch y tế tại sân bay Cần Thơ khi đón chuyến bay chở hơn 200 công dân Việt Nam từ Singapore về thì tại Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, lúc 3 giờ chiều, không khí chuẩn bị cho công tác lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cũng rất khẩn trương. Các cán bộ sắp xếp sẵn sàng, đầy đủ những vật dụng, trang thiết bị cần thiết cho việc lấy mẫu đối với tất cả hành khách trên chuyến bay này sau khi được đưa về khu cách ly tập trung của thành phố. TS Nguyễn Thị Như Mai, Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng cho biết: “Khoa đã huy động 6 cán bộ thực hiện lấy mẫu và 3 cán bộ trực tại Phòng Xét nghiệm, hôm nay mọi người phải làm việc xuyên đêm để đảm bảo kết quả có được trong vòng 24 giờ sau khi tiếp nhận chuyến bay”. Trách nhiệm nặng nề là vậy, thế nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy không khí, tinh thần làm việc nhiệt huyết, lạc quan của mọi người. Tôi hỏi chị Mai Hân: “Mỗi lần lấy mẫu, tiếp xúc gần với nhiều người đến từ vùng dịch, các anh chị có sợ không?”. Chị cười: “Tụi chị quen rồi, nếu sợ thì chị đã không bám trụ với nghề hơn 30 năm nay”.
Tôi theo các anh chị vận chuyển đồ để đưa lên xe, có một số thùng to nên hai người khiêng một thùng, vừa khuân đồ xuống cầu thang, mọi người vẫn cười đùa, nói chuyện vui vẻ. Trước khi xuất phát, các anh chị nhờ tôi chụp cho đoàn một kiểu ảnh kỷ niệm rồi nhanh chóng bước ra xe trong tinh thần sẵn sàng, hồ hởi. 16 giờ, xe chở đoàn bắt đầu rời bánh từ trung tâm đến khu vực cách ly tập trung của thành phố ở quận Ô Môn. Đi gấp rút, nên bữa ăn chiều của các anh chị cũng diễn ra vội vã với thức ăn nhanh trên xe là ổ bánh mì mua dọc đường. Sau hơn nửa tiếng, đến nơi, mọi người khẩn trương mặc đồ bảo hộ, sắp xếp chia làm 3 nhóm với 3 bàn lấy mẫu tại hội trường khu vực cách ly Trường Quân sự thành phố (cũ). Xe chở hơn 200 hành khách từ sân bay vừa về, chờ mọi người cất hành lý, ổn định nhận phòng, đến khoảng 6 giờ, đoàn bắt đầu tiến hành lấy mẫu. Quá trình lấy mẫu xét nghiệm rất vất vả, cán bộ phải đứng khom lưng suốt mấy tiếng đồng hồ, khoảng cách mặt đối diện mặt rất gần, để lấy mẫu bệnh phẩm dịch ngoáy họng ở vùng hầu họng và dịch tỵ hầu ở mũi. Đây cũng là một trong những động tác dễ kích thích người ta ho, sặc - nguy cơ phát tán mầm bệnh. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, các anh chị cho biết “rất nóng và ngộp, nhưng phải gắng chịu đựng vì sự an toàn của bản thân, nhiều lúc khát khô cả cổ cũng ráng nhịn làm cho xong mới uống nước, chứ không thể bỏ dở công đoạn”. Đợt lấy mẫu cao điểm vào tháng 3 vừa qua, cũng tại khu cách ly tập trung của thành phố với gần 300 mẫu, các cán bộ cũng đứng làm việc suốt cả buổi sáng và chiều để kịp thời đưa mẫu về Trung tâm làm xét nghiệm.
9 giờ 30 phút tối, xe vận chuyển mẫu về đến Trung tâm thì tại Phòng Xét nghiệm, TS Nguyễn Thị Như Mai cùng các kỹ thuật viên cũng chuẩn bị sẵn sàng, trực tiếp nhận mẫu, xử lý mẫu và tiến hành xét nghiệm ngay. Công việc kết thúc cũng gần 4 giờ sáng. Để có thể đưa ra được những kết quả xét nghiệm sớm, chính xác phục vụ đáp ứng nhanh cho công tác phòng, chống dịch, các cán bộ phải làm việc luôn trong tâm thế chạy đua với thời gian. Khi có kết quả xét nghiệm, nếu phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân sẽ nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ tiếp tục theo dõi, cách ly, điều trị kịp thời, tránh lây lan, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Không khí căng thẳng, áp lực của phòng hôm nay khiến tôi nhớ lại ngày 23/3, ghé vào Trung tâm lúc 8 giờ tối, gặp chị Hương vừa tan ca trực sau khi kết thúc xử lý mẻ đầu tiên với 94 mẫu. Tôi hỏi: “Chị đã ăn gì chưa?”. Chị kể: “Giờ mới chuẩn bị ăn em à, cơm nuốt không nổi, chị đang nhờ người em mua giúp hộp cháo”. Một mẻ xét nghiệm cho kết quả sau 4-5 tiếng đồng hồ. Bữa ăn trễ, cộng với sự mệt mỏi, căng thẳng sau nhiều giờ làm việc trong Phòng Xét nghiệm khiến cán bộ chẳng còn cảm giác ngon lành. Chị Hạnh và chị Ngọc tiếp tục vào ca trực đêm thay chị Hương và anh Cường để làm cho xong mẻ thứ hai. Các nhóm đi lấy mẫu cực nhọc cả ngày nên giờ là lúc anh chị em tại Phòng Xét nghiệm thay phiên thức trắng đêm đảm nhận xử lý mẫu. Thời điểm CDC Cần Thơ được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm COVID-19 kể từ ngày 17/3, khoa luôn phải huy động cán bộ làm việc với cường độ cao nhất. Các quy trình lấy mẫu, xét nghiệm đều phải đảm bảo nguyên tắc thực hành an toàn sinh học, đòi hỏi sự chính xác, cẩn thận và kỹ lưỡng. 12 giờ khuya, đường phố đêm vắng lặng, mọi nhà có lẽ đã chìm sâu vào giấc ngủ. Dù vậy nơi Phòng Xét nghiệm, CDC Cần Thơ còn sáng đèn, ở đó có các cán bộ y tế, kỹ thuật viên vẫn tiếp tục lặng thầm, cần mẫn với công việc, căng mắt “tìm” vi rút SARS-CoV-2.