Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttp://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ tư - 06/05/2020 06:50
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, công tác phòng, chống dịch được xác định là “cuộc chiến” của toàn dân. Đồng hành cùng “cuộc chiến” cam go này, lực lượng y bác sĩ, những “chiến sĩ áo trắng” luôn ở tuyến đầu, ngày đêm thầm lặng để cùng với chính quyền và nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho mọi người dân.
Vượt qua trở ngại Ngày 24/3/2020, ca bệnh COVID-19 đầu tiên chuyển vào Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ cũng là lúc ê kíp đầu tiên điều trị của BV vào khu cách ly, bước vào cuộc chiến chống dịch COVID-19. Trước đó, một danh sách dài những y, bác sĩ, kỹ thuật viên… ở BV đã đăng ký tình nguyện tham gia điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Đây cũng là BV điều trị cho 2 ca dương tính SARS-CoV-2, đều là công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam. Bác sĩ Nguyễn Hùng Thanh Tùng, người trẻ tuổi nhất và cũng là bác sĩ duy nhất của ê kíp đầu tiên khi nhận lệnh đã vội về nhà tạm biệt người vợ đang mang thai 35 tuần. Vợ anh vốn là một điều dưỡng nên thông cảm cho chồng, dù chỉ có một mình trong căn phòng trọ, người thân ở xa trong khi thai đã lớn. Ngoài đảm nhận điều trị các ca dương tính, bác sĩ còn điều trị các ca nghi nhiễm (cách ly y tế) với các bệnh nền, như: bị đái tháo đường, cao huyết áp, tiền sử ung thư phổi… Trong quá trình điều trị, bác sĩ phải thường xuyên nói chuyện, tâm tình qua zalo để động viên bệnh nhân, vững niềm tin chiến thắng bệnh tật. Khi điều trị cho bệnh nhân 145, có lúc men gan tăng cao, cả lãnh đạo BV, ê kíp lo lắng, sợ bệnh diễn biến xấu thêm, suy tạng thì khó mà cứu. Đội ngũ thầy thuốc phải hội chẩn liên tục, nỗ lực điều trị. Kết quả, bệnh nhân diễn tiến tốt dần lên.
Những bác sĩ nơi tuyến đầu là những người hùng, sự hy sinh thầm lặng của họ đã khắc sâu vào tâm khảm mọi người. Mỗi lần, mặc đồ bảo hộ vào phòng bệnh nhân là mỗi lần mang lại những cảm xúc khác nhau cho ê kíp. Theo các bác sĩ, đồ bảo hộ rất nóng, trong khi phòng bệnh chỉ sử dụng quạt và gió trời nên càng nóng hơn. Chỉ vài phút sau khi mặc là người đã ướt mồ hôi. Sau khi khám, nói chuyện, tư vấn cho bệnh nhân, bác sĩ Tùng tranh thủ hỗ trợ đồng nghiệp công việc vệ sinh, khử khuẩn… do đồ bảo hộ rất vướng víu, khó xoay chuyển. Mỗi lần cởi đồ bảo hộ, mồ hôi ra như vừa tắm xong.
Ngoài ra, có một nỗi buồn mang tên “kỳ thị” bủa vây người thầy thuốc ở BV. Bà Trương Thị Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn ngành y tế TP Cần Thơ, chia sẻ: “Khi lên thăm, động viên cán bộ, nhân viên BV, nghe các anh em trong BV kể lại có trường hợp vợ (chồng) làm ở BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ thì chồng (vợ) bị nơi làm việc cho tạm nghỉ ở nhà; chủ nhà trọ gợi ý dọn đi chỗ khác ở khi phát hiện người ở trọ làm ở BV. Hay một nhân viên BV kể, hàng xóm khi biết họ công tác ở BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, dù không tiếp xúc với bệnh nhân nhưng gặp hàng xóm, người quen họ hay hỏi: chưa đi cách ly hả?”. Một nhân viên của BV cũng cho biết vợ anh đi làm ở công ty, lo ảnh hưởng đến công việc của vợ nên không về nhà mà đến nhà đồng nghiệp tá túc… Nhớ vợ cũng không dám về, sợ mọi người thấy lại xì xầm. Bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Giám đốc BV, cho biết thêm: BV cho dọn dẹp tầng 7 để cán bộ, nhân viên BV có chỗ nghỉ. Bản thân bác sĩ Trần Mạnh Hồng, mấy tháng nay đã tách rời hoạt động sinh hoạt ở cộng đồng; động viên con, cháu về bên sui gia ở. “Anh em xung phong tình nguyện lên tuyến đầu, rất đáng quý. Ban Giám đốc tạo mọi điều kiện về tăng thu nhập như thêm 1 lần lương, lên lương trước hạn, cử đi học… đề bù đắp cho những hy sinh, vất vả của anh em, dù không đáng gì so với sự hy sinh của họ”- Bác sĩ Hồng nói. Niềm vui đoàn tụ Nguy cơ bị lây nhiễm bệnh trong quá trình điều trị cho bệnh nhân rất lớn. Điều này cũng làm cho ê kíp điều trị lo lắng, nhưng mỗi lần nhận kết quả âm tính lần 1, lần 2 và lần 3 rồi đủ tiêu chuẩn cho bệnh nhân xuất viện, họ thở phào. Bác sĩ Trần Mạnh Hồng vui mừng nói: “Hai bệnh nhân đã xuất viện. Chúng tôi rất mừng cho bệnh nhân, cho ê kíp điều trị. Vậy là chúng ta đã điều trị thành công ca nhiễm COVID-19. Sau 28 ngày tham gia điều trị, cách ly khỏi gia đình, cộng đồng, hôm nay (21/4), ê kíp đầu tiên 2 lần xét nghiệm âm tính, đã hết cách ly, trở về đoàn tụ cùng gia đình. Ê kíp thứ hai còn đang cách ly, an dưỡng cho đủ 14 ngày, rồi tiến hành xét nghiệm lại. Kết quả âm tính thì được về cộng đồng, đoàn tụ cùng gia đình”. Rời khu cách ly, an dưỡng, bác sĩ Nguyễn Hùng Thanh Tùng chạy vội vào BV Mắt Sài Gòn - Cần Thơ đón vợ làm điều dưỡng ở đây. Hai vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Chị Võ Thị Ngọc, vợ bác sĩ Tùng, chia sẻ: “Suốt 28 ngày qua, em đếm từng giờ, từng phút, nguyện cầu cho anh khỏe mạnh. Sớm về với mẹ con em”. Theo lời chị Ngọc, trong 3 ngày đầu chồng vào bệnh viện điều trị cho bệnh nhân, một mình chị trong căn phòng trọ vắng (do sinh viên nghỉ học về quê hết), thai đã 35 tuần, không biết sanh lúc nào, chị Ngọc tủi thân, khóc suốt. Để động viên vợ bác sĩ Tùng, BV đã cử nhân viên đến nhà trọ động viên chị Ngọc. Còn bác sĩ Tùng, ở trong khu cách ly, ngoài điều trị, chăm sóc, động viên bệnh nhân, anh cũng luôn động viên đồng nghiệp trong ê kíp giữ vững tinh thần. Hôm chia tay các y, bác sĩ ra viện, bệnh nhân 154 rất xúc động, lưu luyến các thầy thuốc. Bệnh nhân chia sẻ: “Các thầy thuốc rất tận tâm, chăm lo cho bệnh nhân từ điều trị, đến trấn an tâm lý, ăn, ngủ… Hàng ngày, các thầy thuốc đều hỏi em muốn ăn gì? Quan tâm, động viên em từng chút một nên em và gia đình rất yên tâm, không lo lắng gì cả”. Ngày ra viện, bệnh nhân 154 đã gởi bó hoa tươi thắm tri ân các thầy thuốc đã cứu chữa cho mình. Sau 14 ngày căng thẳng điều trị cho bệnh nhân, 14 ngày cách ly trong bốn bức tường, 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, ê kíp điều trị đầu tiên vui mừng, vì được trở về cộng đồng, đoàn tụ cùng người thân.