Lưu ý theo dõi, chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết, nhận biết dấu hiệu trở nặng

Thứ tư - 21/08/2024 01:52
Hiện nay, đồng loạt các em học sinh đã bước vào năm học mới, đây cũng là thời điểm các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát; trong đó đặc biệt lưu ý dịch sốt xuất huyết (SXH) đang mùa cao điểm. Vì vậy, các phụ huynh ngoài việc thường xuyên diệt lăng quăng, diệt muỗi và thực biện các biện pháp phòng bệnh thì cần có kiến thức để nhận biết dấu hiệu mắc bệnh, hướng xử lý kịp thời khi không may có trẻ mắc SXH.
Ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ, kiểm tra tình hình phòng chống dịch sốt xuất huyết tại quận Ninh Kiều
Ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ, kiểm tra tình hình phòng chống dịch sốt xuất huyết tại quận Ninh Kiều
Để giúp phụ huynh nhận biết trẻ có dấu hiệu mắc SXH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ khuyến cáo: Đối với bệnh SXH thể bệnh nhẹ, người bệnh sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể có nổi mẩn, phát ban. Đối với thể bệnh nặng sẽ biểu hiện chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân rang, ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Ngoài ra, còn các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp).
KIEM TRA PHONG DICH 03
Cán bộ CDC Cần Thơ giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện

Phụ huynh cần lưu ý khi phát hiện trẻ có biểu hiện liên quan đến SXH, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn khám và điều trị. Trường hợp nếu trẻ được bác sĩ chẩn đoán bệnh nhẹ và cho phép chăm sóc tại nhà thì phụ huynh nên chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ. Cho trẻ nằm nghỉ ngơi và cho uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt. Cho trẻ ăn nhẹ: cháo, súp, sữa. Phụ huynh dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol hoặc đặt viên hạ sốt vào hậu môn, không dùng aspirin để hạ sốt), chườm mát cho trẻ. Nên theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến bệnh viện.
Theo số liệu thống kê của CDC Cần Thơ, tính đến ngày 19/8/2024, toàn thành phố ghi nhận 385 ca mắc SXH, trong đó quận Ninh Kiều có số ca mắc cao nhất (87 ca). Thời gian qua, CDC Cần Thơ cũng phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch SXH, theo đó đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông vận động người dân diệt lăng quăng chủ động phòng chống SXH, không chủ quan lơ là với dịch bệnh mùa cao điểm.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ cũng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào lu, bể nước; thường xuyên cọ rửa dụng cụ chứa nước, thay nước bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào chén nước kê chân chạn; lật úp các dụng cụ không chứa nước; loại bỏ các vật phế thải như: chai, lọ, vỏ dừa, vỏ xe cũ, các hốc chứa nước…
3. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
4. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất diệt muỗi.
5. Khi bị sốt cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Nguồn tin: Đỗ Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
tuxetnghiem_phai
Thống kê
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay6,492
  • Tháng hiện tại200,667
  • Tổng lượt truy cập23,939,216
cdc tết nguyên đáng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây