Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ

http://cdccantho.vn


Triển khai hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2022 với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con vào năm 2030”

Hưởng ứng tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 701/KH-KSBT ngày 30/5/2022, thực hiện trong khoảng thời gian từ 01/6/2022 đến 30/6/2022 với chủ đề: “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và Giang mai từ mẹ sang con vào năm 2030”, hướng dẫn và chỉ đạo các Trung tâm Y tế tuyến quận/huyện, xã/phường thực hiện triển khai các hoạt động Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm mục đích: thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở y tế cùng người dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV; đồng thời, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con…
Cán bộ Trạm y tế phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt đang tư vấn, hướng dẫn các xét nghiệm cần thiết cho người dân.
Các hoạt động chính trong Tháng chiến dịch là tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, tăng cường cung cấp dịch vụ hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đợt truyền thông năm nay vận dụng linh hoạt nhiều hình thức truyền thông phù hợp với nguồn lực sẵn có của từng địa phương, đơn vị, đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 như: truyền thông đại chúng qua báo, đài, bản tin, chương trình giải trí trên truyền hình, các phóng sự, các chương trình quảng cáo; phát video tại phòng chờ cơ sở y tế; truyền thông qua cộng tác viên xã, phường, thị trấn.. đặc biệt tăng cường truyền thông trên hệ thống mạng xã hội và các trang thông tin điện tử hiện có; treo băng rôn; phát triển các ấn phẩm truyền thông như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng,...
Về nội dung truyền thông, tập trung thông tin về: lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; lợi ích của theo dõi tải lượng HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh; lợi ích của điều trị dự phòng ARV cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV hoặc mẹ có xét nghiệm HIV có phản ứng khi chuyển dạ, khi sinh; lợi ích của việc thực hiện chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; lợi ích của điều trị ARV sớm cho trẻ được chẩn đoán nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ sang con; lợi ích của các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV dành cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai...
Trong thời gian thực hiện Tháng chiến dịch, tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại bệnh viện chuyên khoa về sản, bệnh viện đa khoa thành phố và quận, huyện, Trung tâm Y tế quận, huyện và tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn như: tư vấn xét nghiệm HIV sớm cho phụ nữ mang thai tại xã, phường trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ; theo dõi phụ nữ mang thai nhiễm HIV tại cộng đồng và chuyển tiếp mẹ và trẻ đến các phòng khám ngoại trú người lớn và trẻ em; xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; giới thiệu mẹ và trẻ đến các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV để tiếp tục theo dõi, chăm sóc và điều trị HIV; cung cấp thuốc ARV để phòng lây truyền mẹ con và điều trị dự phòng cho trẻ em sinh ta từ mẹ nhiễm HIV; tư vấn dùng sữa thay thế cho mẹ nhiễm HIV sinh con.
Thông qua Kế hoạch trên với mong muốn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp dịch vụ hưởng ứng tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cơ bản đạt được các chỉ tiêu như tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV ≥95%, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng ARV ≥95%; tỷ lệ nhiễm HIV của trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV ≤5% nhằm đạt được mục tiêu lớn của chương trình là tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và Giang mai vào năm 2030.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ, trong năm 2021 và 06 tháng đầu năm 2022, đã có 35 phụ nữ nhiễm HIV có thai được quản lý và điều trị ARV, trong đó có 32 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã sinh, số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm HIV bằng PCR có kết quả âm tính là 32, đây là một thành công lớn của chương trình. Để đạt được mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con, vì những đứa con khỏe mạnh, những phụ nữ nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ cần đến Trung tâm Y tế tuyến 09 quận, huyện cùng 83 Trạm Y tế tuyến xã, phường trên địa bàn thành phố Cần Thơ để được tư vấn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con./.

Nguồn tin: MẠNH NGUYỄN - ANH THƯ - THANH GIANG

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây