Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ

http://cdccantho.vn


Khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh liên cầu lợn ở người

Infographic về phòng bệnh liên cầu lợn ở người
Bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.
Bệnh lây do tiếp xúc với mầm bệnh khi: giết mổ, vận chuyển, mua bán lợn (heo) bệnh; ăn thịt heo bệnh chưa được nấu chín (tiết canh, thịt luộc tái, nội tạng heo…); nếu da có vết trầy xước, khi tiếp xúc với các sản phẩm của heo bệnh thì càng dễ lây.
Biểu hiện của bệnh thường gặp là sốt, nhức đầu, nôn ói, rối loạn tri giác, yếu liệt chi, xuất huyết dưới da. Nếu không được điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc (tỷ lệ tử vong cao).
Để phòng bệnh liên cầu lợn ở người, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh khuyến cáo một số biện pháp cần lưu ý sau đây:
  1. Đối với người giết mổ lợn phải tuân theo các quy định:
  • Không giết mổ lợn bị bệnh
  • Không được sử dụng thịt lợn chết làm thức ăn cho động vật khác và phải xử lý lợn bị bệnh chết triệt để (chôn, đốt).
  • Mang các dụng cụ bảo vệ cá nhân cần thiết (găng tay, khẩu trang, kính, mũ…).
  • Khi có vết xước, vết thương không tiếp xúc với lợn hay các sản phẩm của lợn.
  • Nơi giết mổ phải bảo đảm vệ sinh môi trường sạch sẽ.
  1. Đối với người mua bán thịt lợn:
  • Không mua, bán lợn bị bệnh.
  • Không mua bán lợn, thịt lợn không rõ nguồn gốc; chỉ mua lợn, thịt lợn có nguồn gốc,có dấu hiệu kiểm dịch của cơ quan thú y.
  1. Đối với người tiêu dùng:
  • Không ăn thịt lợn sống, không ăn tiết canh, nội tạng lợn chưa được nấu chín.
  • Không ăn thịt lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.
  • Không tiếp xúc với sản phẩm từ lợn còn sống khi tay có vết xây xước, trừ khi mang găng bảo vệ.
  1. Đối với người chế biến thức ăn:
 
  • Khu vực chế biến thức ăn sạch sẽ
  • Bảo quản thịt sống phải tách biệt với nơi bảo quản thịt đã qua chế biến hoặc sản phẩm ăn sẵn để tránh lây nhiễm bệnh.
  • Dụng cụ chế biến thịt sống, thịt chín phải sử dụng riêng (dao, thớt).
  • Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi chế biến thịt.
  • Thức ăn phải được nấu chín kỹ trước khi ăn

Nguồn tin: Hải Ân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây