Hướng dẫn quy trình tiếp nhận quản lý, điều trị F0 tại nhà

Thứ ba - 14/12/2021 01:23
Ngày 11/11/2021, Sở Y tế TP Cần Thơ ban hành hướng dẫn quy trình tiếp nhận quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19 (F0) tại nhà. Theo đó, khi phát hiện người nghi nhiễm, trung tâm y tế khởi động đội phản ứng nhanh, lấy mẫu xét nghiệm PCR, điều tra dịch tễ và tạm thời thực hiện biện pháp cách ly tại chỗ phù hợp trong khi chờ kết quả.
Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra, hỏi thăm tình hình F0 điều trị tại nhà tại phường An Cư.
Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra, hỏi thăm tình hình F0 điều trị tại nhà tại phường An Cư.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp nhận kết quả RT-PCR từ các phòng xét nghiệm và chịu trách nhiệm công bố ca bệnh và phát lệnh F0. Đồng thời, khởi động đội phản ứng nhanh phối hợp thực hiện khoanh vùng, xử lý ổ dịch và thực hiện các biện pháp cách ly y tế phù hợp cho các đối tượng theo quy định.
Trạm y tế thực hiện tiếp nhận đơn đăng ký tự nguyện cách ly điều trị tại nhà; xác nhận đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cách ly điều trị tại nhà; đánh giá tiêu chí người nhiễm COVID-19 cách ly, điều trị tại nhà.
Trong trường hợp đủ điều kiện, Trạm y tế báo cáo UBND xã/phường xem xét quyết định cách ly điều trị tại nhà. Hướng dẫn và thực hiện ký giấy cam kết thực hiện biện pháp cách ly điều trị tại nhà.
Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động thực hiện quản lý, theo dõi, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi người bệnh có diễn biến, dấu hiệu bất thường Trạm Y tế lưu động xử lý cấp cứu và chuyển lên bệnh viện COVID-19.
HUONG DAN QUY TRINH TIEP NHAN F0 TAI NHA 0002
Người dân được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR.

Về xét nghiệm: lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 13 hoặc ngày thứ 20 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly. Tất cả người ở chung nhà được lấy mẫu xét nghiệm cùng thời điểm hoặc xét nghiệm khi có triệu chứng bất thường hay có dấu hiệu nghi nhiễm. Kết thúc cách ly điều trị: Thời gian cách ly điều trị tại nhà từ 14-21 ngày.
Điều kiện kết thúc cách ly điều trị F0 tại nhà: Ngày thứ 14: kết quả âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30) vào trước ngày kết thúc cách ly. Ngày thứ 21: hết triệu chứng trong 3 ngày, kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc nồng độ virus (Ct < 30).
Sau khi hết thời gian cách ly, trưởng Trạm Y tế cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly điều trị tại nhà. Người bệnh ký cam kết tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà sau khi hoàn thành điều trị.
Theo Sở Y tế, F0 điều trị tại nhà nếu đáp ứng được tiêu chí: người nhiễm/tái nhiễm COVID-19 không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ; không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96 % khi thở khí trời; không thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào; đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày; trẻ em trên 1 tuổi, người lớn dưới 50 tuổi, không có bệnh lý nền, phụ nữ hiện không mang thai; có thể tự chăm sóc bản thân; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để theo dõi, giám sát và khi có tình huống cấp cứu (có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính...); đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất cách ly người F0 tại nhà; đồng ý tự nguyện tham gia cách ly điều trị tại nhà.
Yêu cầu về cơ sở vật chất cách ly, điều trị F0 tại nhà: có phòng riêng dành cho F0; có cửa sổ thông thoáng, có nhà vệ sinh riêng; có số điện thoại riêng; giao thông thuận tiện cho vận chuyển, cấp cứu, chuyển tuyến điều trị; có thùng rác cá nhân có nắp và túi rác đi kèm; có sẵn dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt, nước súc họng hoặc nước muối sinh lý, khẩu trang y tế, nhiệt kế; có một số loại thuốc thiết yếu: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng như các loại vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền.
 
Những lưu ý khi điều trị F0 tại nhà:
Theo Tài liệu Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, ngay khi được thông báo về việc cách ly người nhiễm tại nhà, các thành viên trong nhà chuẩn bị các nội dung sau:
• Lưu lại các số điện thoại: đường dây nóng phòng chống dịch; người được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe người nhiễm và các số điện thoại cần thiết khác.
• Xác định và thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm.
• Phân công một người phù hợp nhất chăm sóc người nhiễm (nếu cần).
• Chuẩn bị các vật dụng tối thiểu: Khẩu trang y tế dùng 1 lần (đủ dùng cho cả nhà trong 2-3 tuần); Găng tay y tế sạch (tối thiểu đủ dùng cho người chăm sóc trong 2-3 tuần); Nhiệt kế: thủy ngân hoặc điện tử, máy đo huyết áp; Thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các túi nilon màu vàng để lót bên trong thùng; Dụng cụ cá nhân dùng riêng cho người nhiễm: bàn chải răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm, giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt) máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân; Các thuốc đang sử dụng cho người trong nhà có bệnh sẵn có như: cao huyết áp, đái tháo đường, gút… với số lượng có thể dùng trong ít nhất 30 ngày; Các thuốc và đơn thuốc (toa) của bác sỹ đối với người nhiễm (nếu có).
Khi một người trong nhà bạn nhiễm COVID-19, có nghĩa là bạn và những người khác trong nhà cũng đã có thể nhiễm, do đó cũng phải thực hiện cách ly tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Nếu có MỘT trong các dấu hiệu sau đây phải báo ngay với nhân viên y tế phụ trách theo dõi sức khỏe của gia đình để được xử trí và chuyển viện kịp thời:
1) Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
2) Nhịp thở tăng: Người lớn: nhịp thở ≥ 21 lần/phút; Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút; Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút.
3) SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo). Khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo. Tẩy sơn móng tay (nếu có) trước khi đo.
4) Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
5) Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).
6) Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
7) Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
8) Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
9) Không thể uống. Trẻ em bú kém/giảm, ăn kém, nôn.
10) Trẻ có biểu hiện: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết...
11) Bất kỳ tình trạng nào mà bạn cảm thấy không ổn, lo lắng.
 

 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Quỳnh Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Quan trắc môi trường
CacdichvuCDC
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
Bảng giá vắc xin
BannerPhunHoaChat
Tin mới
Thống kê
  • Đang truy cập123
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm120
  • Hôm nay30,644
  • Tháng hiện tại572,867
  • Tổng lượt truy cập19,386,996
Slide web CDC 1 2023 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây